Đăng nhập

Cổng TTĐT Phường Đồng Lạc - TP Chí Linh

23/4/2023  |  English  |  中文

KHÁI QUÁT DI TÍCH LỊCH SỬ- VĂN HÓA CẤP TỈNH ĐÌNH THỦ CHÍNH-PHƯỜNG ĐÔNG LẠC

Di tích Đình Thủ Chính-Phường Đồng Lạc được công nhận là di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 4981/QĐ-UBND ngày 01 tháng 11 năm 2005 của UBND tỉnh Hải Dương về việc Quyết định xếp hạng Di tích cấp tỉnh. Theo đó Đình Thủ Chính được xếp hạng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh.


Di tích lịch - sử văn hóa Đình Thủ Chính thuộc KDC Thủ Chính, phường Đồng Lạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương là nơi tôn thờ sáu vị Thành hoàng làng

( Thánh phụ Lý Uy, Thánh mẫu Quế Hoa Nương và bốn con trai là Hoàng Công, Thanh Công, Hồng Công và Xích Công. Tương truyền, Đình Thủ Chính được xây dựng từ thời Lê, trùng tu lớn vào thời Nguyễn. Năm 1937 làm thêm 5 gian đình ngoài, cũng thười gian đó nhân dân chuyển 3 gian đình Chạp làm 3 gian đình trong. Đến năm 1943 thì hoàn thành, đến năm 1953, Đình bị phá để xây dựng cống Ngàn phục vụ kháng chiến ( chỉ còn một gian hậu cung, hòa bình bị dỡ nốt ). Từ năm 1966, Nhà nước mượn nền Đình để xây dựng kho thóc, đến năm 1984 phá kho thóc để trả lại đất Đình cho nhân dân. Năm 1999, dân làng Thủ Chính mua nhà Nghị Dong ( huyện Nam Sách ) về dựng lại Đại Bái, sang năm 2000 xây dựng thêm Hậu cung.Năm 2019, Sở văn hóa thể thao và du lịch Hải Dương là chủ đầu tư tiến hành tu sửa lại Nhà Tiền bái của Đình ( Lợp lại toàn bộ mái; thay thế toàn bộ rui, gộp, chồng nóc; thay một số hoành bị hư hỏng).

I.Quá trình hình thành và phát triển KDC Thủ Chính:
          Từ khi thành lập đến nay, Thủ Chính đã có những thay đổi tên gọi khác nhau. Thời Trần là trang Thủ Chân, sang thời Hậu Lê là làng Thủ Chân, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Thời Nguyễn Thủ Chân đổi tên thành xã Thủ Chính, tổng Đông Đôi, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Lúc này tổng Đông Đôi gồm 13 xã: Mạc Ngạn, Thủ Chính, Tế Sơn, Vĩnh Trụ, Mạc Động, Giang Thượng, Giang Hạ, Đông Đôi, Kỹ Sơn, Vọng Thúc, Lạc Sơn, Miễu Sơn, Lạc Đạo.

          Trước cánh mạng tháng 8/ 1945, có 4 làng  ( xã ) : Thủ Chính, Tế Sơn, Mạc Ngạn, Vĩnh Trụ. Đến 28/4/1946, Hội đồng nhân dân xã Khóa I họp phiên đầu tiên đã hợp nhất 4 làng ( xã ) cũ là Mạc Ngạn, Tế Sơn, Thủ Chính và Vĩnh Trụ thành một xã lấy tên là xã Đồng Lạc và thống nhất gọi là thôn, thôn Vĩnh Trụ tách ra thành hai thôn là Trụ Thượng và Trụ Hạ.

Do quá trình phát triển, hiện nay phường Đồng Lạc có 5 KDC : Trụ Thượng, Trụ Hạ, Tế Sơn, Thủ Chính, Mạc Ngạn. Nhân dân trong phường chủ yếu là người Kinh, theo đạo Phật, chỉ có một số hộ theo đạo Thiên Chúa ở KDC Trụ Hạ.

Đồng Lạc là cửa ngõ phía nam của thành phố Chí Linh, 3 mặt đông, tây, nam được bao bọc bởi sông Kinh Thầy, lại có đường quốc lộ chạy qua nên giao lưu với các xã, phường trong thành phố, với các huyện trong, ngoài tỉnh rất thuận lợi.

          Đồng Lạc là một vùng đất được hình thành khá sớm trong lịch sử, mỗi thôn, làng đều có đình, chùa , miếu như: Đình, chùa To ở Thủ Chính; đình, chùa Trên, chùa Lê ở Trụ Thượng; đình Trụ Hạ, chùa Liên Hoaở Trụ Hạ; 1 nghè ở Tế Sơn; chùa Ngàn ở Mạc Ngạn.Tuy nhiên, trải qua những biến cố của lịch sử và thiên nhiên tàn phá, hầu hết các di tích bị hủy hoại hoặc đã trở thành phế tích. Các di tích đã được khôi phục trên nền đất cũ, quy mô tuy nhỏ và đơn giản nhưng là nơi nhân dân địa phương đến sinh hoạt tín ngưỡng vào mồng một, ngày rằm, ngày lễ hội, tạo nên nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

II.Lịch sử:

Căn cứ vào thần tích, bia ký, sắc phong, câu đối, đại tự, tài liệu hiện lưu trữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội và lưu truyền trong  nhân dân thì: Đình Thủ Chính tôn thờ sáu vị Thành hoàng làng là: Thánh phụ Lý Uy, thánh mẫu Quế Hoa Nương và bốn người con trai là Hoàng Công, Thanh Công, Hồng Công và Xích Công. Thân thế và sự nghiệp của các Ngài có thể tóm tắt như sau:

Nước Việt xưa thuộc phương Nam, nguyên thánh tổ hoàng đế triều trước mở mang tạo dựng hồng đồ. Thủy tổ Việt Nam 18 đời mở vận thánh đế, minh vương, núi xanh vạn dặm là nền móng sáng lập thành đô cung điện, mở mang tài vật, giúp đỡ nhân dân, thống nhất 15 bộ ở thế phiên hùng mạnh. Lối dõi cơ đồ to lớn vẻ vang, vua Duệ Vương trị nước hơn 30 năm, tạo thế tổ tông bền vững, hiển linh ứng thông đến tận miền Nghĩa Linh, truyền ngôi đế vương trăm đời, ngự thế trị quốc vạn năm, điện thánh, núi Hùng, trời Nam, đất tổ, hết lòng phụng sự cơ đồ.

Lúc truyền ngôi đến Hùng Duệ vương đóng đô ở sông Bạch Hạc, Việt Trì, lấy tên là nước Văn Lang, quốc đô là Phong Châu. Vua Duệ Vương là bậc đại lược hùng tài, có tư chất của bậc thành triết, kế thừa nghiệp tổ tông 17 đời cơ đồ thịnh trị, nội trị thì tu đức, ngoại trị thì phòng bị biên cương vững chắc, dốc lòng dốc ý gây dựng thanh bình cho đất nước.

Cũng thời gian này ở châu Kim Lan, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc có quan chủ bộ họ Lý húy Uy làm danh tướng của Vua Hùng, vua Duệ vương phong làm Bộ chủ, vợ công mất sớm. Nhân lúc trong triều vô sự, thiên hạ thái bình, vua tôi hòa hợp, quốc gia yên bình. Bộ chủ quân đi chu du thiên hạ ngắm phong cảnh đẹp, thưởng thức giang sơn ba, bốn ngày. Bỗng hôm đó, Chủ bộ quan đến địa giới trang Thủ Châu, huyện Bàng Châu, phủ Nam Sách. Quan Chủ bộ thấy địa thế ở đây rất đẹp bèn lập hành cung. Ông nghe tin trong bản trang có gia đình họ Hoàng, tên là Nhân Công, có người con gái tên là Quế Hoa Nương xinh đẹp tuyệt trần lại đức hậu, nhân từ, khoan dung độ lượng, hiếu lễ. Quan Chủ bộ nói với Nhân Công xin cưới Quế Hoa Nương làm vợ, hai vợ chồng Nhân Công ưng thuận. Quan Chủ bộ đón dâu về cung tại bản trang, Quế Hoa Nương sinh được bốn người con trai đặt tên là Hoàng Công, Thanh Công, Hồng Công, Xích Công. Ít lâu sau Quế Hoa Nương bị bệnh qua đời ( ngày 27 tháng 11 ). Bộ quan định làm lễ an táng, chưa làm xong lễ thì đất đã nổi lên thành mộ. Năm các con khôn lớn, tướng mạo người nào cũng đường hoàng, lẫm liệt, nhan rồng, cằm hổ, mắt sư tử, tiếng vang như chuông, da đen như sắt, diện mạo kỳ lạ khác hẳn người thường.

Truyền rằng: Khi bộ quan đã ngoài 80 tuổi, bỗng nhiên không bệnh mà mất ( vào ngày 30 tháng 7 ). Nhân dân cùng bốn người con hành lễ mang về an táng tại bản trang. An táng xong các Công chịu tang 3 năm hương hỏa thờ phụng. Cũng năm đó, Thục binh nghe tin Hùng Duệ Vương đã già yếu, không có con trai nối dõi. Quân Thục ngầm tập hợp quân sĩ và khí giới từ phía Tây đánh về. Duệ vương nghe tin liền sai sứ thần triệu bốn anh em Hoàng Công, Thanh Công, Hồng Công, Xích Công về triều nghị sự bàn kế đánh giặc. Các ông đồng tâm bàn định kế sách để dẹp yên quân Thục. Bốn Công tâu rằng: “ Hơn hai ngàn năm nay, 17 đời Thánh đế đều lấy đức để trị dân, nay Bệ hạ mang quân đi hỏi tội, lấy điều nhân nghĩa mà quy phục, thì dân ta không phải là địch quốc, một lòng vì Vua lo gì mà không thắng" . Vua Hùng nghe vậy rất vui, liền lấy nỏ thần Linh Quang giao cho bốn Công. Vua cùng các Công vái tạ thái miếu rồi tiến thẳng đến nơi quân Thục đóng tại châu Quỳnh Nhai. Do thế quân Thục rất mạnh, thế không địch nổi nên Duệ Vương và bốn Công quay về mai phục ở sông Bạch Đằng, Thiên Đức tuyển thêm trai tráng chuẩn bị đánh đường thủy. Chẳng bao lâu quân Thục lại kéo đến, trận chiến diễn ra ác liệt, quân Thục đại bại, thuyền bè tan vỡ. Ngay hôm đó, Vua cùng các công xa giá về triều mở tiệc khao thưởng quân sĩ. Ban tặng phong thưởng xong, bốn Công dâng biểu tâu Hùng Duệ Vương xin trở về cung sở tại trang Thủ Chân. Vua bằng lòng liền tặng một bài thơ:

“ Quả nhiên thước kiếm đuổi tướng Nam

Lấy được thành dài hiến Quốc Vương

Muôn thuở trước sau cùng như vậy                         

Là con một nhà, thần của Quốc Gia"

Bốn Công đem binh về cung sở củ bản trang, tổ chức lễ vọng tổ tiên, mở tiệc lớn mời nhân dân đến ăn mừng. Hoàng Công, Thanh Công, Hồng Công, Xích Công biếu nhân dân trong trang 100 thỏi vàng và 800 quan tiền để lưu lại chút tình khi sống, rồi bốn Công tự nhiên hóa vào ngày 18 tháng 3. Nhân dân bản trang liền làm biểu tâu Vua, Duệ vương được tin vô cùng thương tiếc các bậc đại thần có công lao lớn với Quốc triều, trung nghĩa phụng sự vua. Duệ vương liền sai quân đem sắc chỉ về bản trang và truyền lệnh cho nhân dân tạo dựng các miếu riêng tại chỗ cung cũ để phụng thờ. Lại ban cho nhân dân 800 quan tiền để làm lễ cấp quốc gia vào hai dịp xuân thu, cùng miễn binh lương các dịch trong 3 năm. Khen phong mĩ tự “Thượng đẳng phúc thần" muôn đời tế lễ, yên nghỉ cùng đất nước, mãi mãi không thay đổi.

  • Nhất phong Hoàng độ Trinh minh Đại vương
  • Nhất phong Long quang Hiển hách Đại vương
  • Nhất phong Hoằng hóa Linh thông Đại vương
  • Nhất phong Phổ hiệp Tề tế Đại vương

Sang thời lê sơ, dân làng xây dựng đình và tôn thờ thánh phụ Lý Uy, thánh mẫu Quế Hoa Nương, bốn người con Hồng Công, Thanh Công, Hồng Công, Xích Công làm Thành hoàng làng. Do có công lao với dân làng, lại là tướng cầm quân đánh giặc Thục thời Hùng Duệ Vương nên các vị được ban nhiều sắc phong qua các triều đại. Hiện nay đi tích còn lưu giữ được 6 sắc phong dưới thời Nguyễn, đó là sáu đạo sắc phong do vua Khải Định năm thứ 9 phong vào ngày 25 tháng 7 năm 1924.

Đình Thủ Chính không chỉ là nơi thờ Thành hoàng làng mà trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương.
III. Lễ hội:

Dưới thời phong kiến, Đình Thủ Chính có nhiều lễ hội, nhưng quan trọng nhất là hai kỳ lễ: Lễ kỷ niệm ngày 18 tháng 3 và ngày 18 tháng 9 âm lịch. Lễ ngày 18 tháng 9, nhân dân mở cửa đình từ chiều ngày 17/9, sang hôm sau nhân dân chỉ tế lễ và chiều ngày 18/9 đóng cửa đình, không có các trò chơi dân gian, quy mô lễ hội nhỏ. Trong một năm lễ hội lớn nhất là lễ hội kỷ niệm ngày mất của Hoàng Công, Thanh Công, Hồng Công và Xích Công được tổ chức từ ngày 16 đến 21 tháng 3 âm lịch. Trong đó ngày 18 là ngày chính hội.

Vào những tháng đầu năm, sau khi đã thu hoạch mùa màng, người dân sớm chuẩn bị cho lễ hội. Họ dùng những sản vật nông nghiệp dâng lên cung thỉnh Thành hoàng làng.

-Ngày 16 là ngày mở cửa Đình, các bô lão và trai tráng trong làng dọn dẹp, chồng kiệu, bao sái đồ thờ, dọn dẹp đường làng ngõ xóm để phục vụ lễ hội.

-Ngày 17, KDC Thủ Chính có 4 giáp: Giáp Đông, Tây, Nam, Bắc, bô lão, dân làng đã tập trung ra Đình từ sáng sớm để cuẩn bị lễ vật, để rước Thần từ Đình Chạt ( cách Đình 200m về phía đông ), sau đó tiếp tục rước ra Miếu Nho Quan ( nơi sinh của 4 vị Thành hoàng, cách Đình hiện nay 400m về phái nam). Đoàn rước có bát bửu, bát âm, long đình, kiệu bát cống đi thành hàng từ Đình Chạt ra Miếu Nho Quan, tới Miếu thì dừng lại tế lễ. Sau đó rước tiếp về Đình Thủ Chính, làm lễ nhập tịch.

-Ngày 18 là hội chính, nhân dân trong làng ra đình tế 3 tuần rượu và chính thức mở lễ hội, tổ chức các trò chơi dân gian.

-Ngày 19, ngày 20 tiếp tục tế lễ và tổ chức các trò chơi.

-Ngày 21 là ngày dã đám, kết thúc lễ hội.

Các trò chơi dân gian được tổ chức trong lễ hội như: Vật, cờ người, bịt mắt bắt dê, đi cầu thùm, hát chèo…

Năm 1945 lễ hội Đình Thủ Chính không được tổ chức do đất nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Năm 1983 nhân dân mở lễ hội ở chùa do chưa xây dựng được Đình. Đến năm 1999, Đình được khôi phục, lễ hội mới được mở trở lại còn 3 ngày 16, 17, 18 tháng 3 âm lịch. Hình thức tuy đơn giản, không có rước, chỉ có tế lễ và một số trò chơi như chọi gà, cờ tướng, cầu thùm, kéo co và vật nhưng cũng đáp ứng được cuộc sống tinh thần của nhân dân.

IV. Hiện trạng di tích:

Đình Thủ Chính được xây dựng từ thời Lê, trùng tu lớn vào thời Nguyễn. Năm 1937 làm thêm 5 gian đình ngoài, cũng thời gian đó nhân dân chuyển 3 gian đình Chạp làm 3 gian đình trong. Đến năm 1943 thì hoàn thành, đến năm 1953, Đình bị phá để xây dựng cống Ngàn phục vụ kháng chiến ( chỉ còn một gian hậu cung, hòa bình bị dỡ nốt ). Từ năm 1966, Nhà nước mượn nền Đình để xây dựng kho thóc, đến năm 1984 phá kho thóc để trả lại đất Đình cho nhân dân. Năm 1999, dân làng Thủ Chính mua nhà Nghị Dong ( huyện Nam Sách ) về dựng lại Đại Bái, sang năm 2000 xây dựng thêm Hậu cung. Năm 2019, Sở văn hóa thể thao và du lịch Hải Dương là chủ đầu tư tiến hành tu sửa lại Nhà Tiền bái của Đình ( Lợp lại toàn bộ mái; thay thế toàn bộ rui, gộp, chồng nóc; thay một số hoành bị hư hỏng).

Hiện tại, Đình Thủ Chính nằm giữa làng, chạy dài theo hướng bắc – nam. Trong khoảng không gian nội tự được xác định 312 m2 , kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm Đại bái 7 gian bít đốc và 3 gian Hậu cung, Đại bái chất liệu bằng gỗ lim, hậu cung bằng gỗ xoan.

Bài trí thờ tự tại hậu cung được thể hiện khá trang nghiêm. Chính giữa là ngai và khám thờ thánh phụ Lý Uy, thánh mẫu Quế Hoa Nương, phía trước là long đình. Đối xứng hai bên được bài trí đôi lục bình, cây bến, mâm bồng, bát hương… theo nguyên tắc cân đối tạo sự trang nghiêm.

Ở hai gian bên có 2 ban thờ, ban thờ phía bên phải là 2 ngai thờ Hoàng Công, Thanh Công; ban thờ bên trái là 2 ngai thờ Hồng Công và Xích Công. Hai bên hồi nhà được bài trí bộ bát bửu do nhân dân công đức.

V. Các hiện vật trong di tích:

Trước đây di tích có khá nhiều cổ vật quý nhưng trải qua chiến tranh và thiên nhiên tàn phá, nhiều cổ vật đã bị mất mát, hư hỏng nhất là hệ thống bia ký, câu đối, đại tự, dụng cụ rước thần….Tuy vậy, hiện nay, Đình Thủ Chính vẫn còn lưu trữ được một số cổ vật có giá trị:

- 1 ngai thờ cao 104,5cm, dài 63cm, rộng 52cm thời Nguyễn ( Thế kỷ 19)

- 1 long đình sơn son thiếp bạc thời Nguyễn ( đầu thế kỷ 20 )

- 1 cuốn thư chữ khảm trai thời Nguyễn (đầu thế kỷ 20 )

- 5 hòm sắc gỗ sơn son thiếp vàng thời Nguyễn ( đầu thế kỷ 20 )

- 1 hộp đựng Dấu bằng đồng thời Nguyễn ( đầu thế kỷ 20 )

- 1 quyển Thần tích do Nguyễn bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572)

- 6 đạo sắc phong năm Khải Định thứ 9 ( 1924 )- 3 bia đá:

Bia số 1 là “Tạo hậu thần bi", niên hiệu : Ngày 19 tháng 11 năm Chính Hòa 12 ( 1691 )

Bia số 2 “Tạo hậu thần bi", niên hiệu: Ngày 8 tháng 10  năm Chính Hòa 12 ( 1691 )

Bia số 3 không có tên, thời Nguyễn ( Thế kỷ 19 )

Và nhiều đồ tế tự khác do nhân dân mới công đức.